Truy cập nội dung luôn
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN













 

Thông kê truy cập Thông kê truy cập

Đang online: 566
Lượt truy cập trong tuần: 2528
Lượt truy cập trong tháng: 9105
Lượt truy cập trong năm: 120544
Tổng số truy cập: 2578946

NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC CẢI TẠO, XÂY DỰNG LẠI CHUNG CƯ CŨ

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại chung cư cũ
Ngày đăng 13/12/2022 | 19:30  | Lượt xem: 454

(HNM) - Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.500 chung cư cũ, đa số đều đã được xây dựng từ 50 đến 60 năm trước, cá biệt có chung cư cũ được xây dựng từ năm 1954, đã hết niên hạn sử dụng, có nguy cơ đổ sụp, bị cảnh báo cấp độ D. Song đến nay, mới khoảng chung cư cũ 1% được xây dựng, cải tạo lại. Trước vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã phân cấp cho UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ khảo sát, phân loại, kiểm định và sớm đẩy nhanh công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

 

“Chuồng cọp” được cơi nới tại nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình).

Nhiều chung cư xuống cấp, nguy hiểm

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại quận Ba Đình, ấn tượng đầu tiên là những chung cư cũ đã xuống cấp. Cụ thể, tại nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ tồn tại rất nhiều căn hộ đã tự ý xây dựng, cơi nới “chuồng cọp” để lấn chiếm khoảng không. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị H., người dân đang sinh sống tại nhà C8 cho biết, mặc dù đã được các lãnh đạo địa phương nhiều lần vận động di dời người và tài sản khỏi khu vực đơn nguyên số 3 (nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ), song hầu hết các hộ đều chưa thực hiện, bởi di dời sẽ phát sinh thêm rất nhiều chi phí, đặc biệt là việc học tập của các cháu sẽ bị ảnh hưởng.

Tìm hiểu tình trạng nhà chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa cho thấy, có khoảng 20 khu tập thể cũ với 506 nhà cao 2-5 tầng. Các hộ dân đã tự cơi nới, lại không bảo trì thường xuyên nên nhiều nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm, điển hình là nhà số 51 Huỳnh Thúc Kháng. Mặc dù có những khu vực đã để lộ ra những mảng tường bị nứt toác, nhưng bất chấp nguy hiểm, một số người dân vẫn quyết định bám trụ tại đây. Theo quan sát, phía tầng 1 khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng, hiện là nơi buôn bán, kinh doanh của nhiều hộ, phía trên là "mạng nhện" dây điện chằng chịt, các bức tường ẩm mốc, nứt toác...

Tiếp tục tìm hiểu tại nhà E4, Khu tập thể Đại học Y, phường Trung Tự (quận Đống Đa), hiển hiện trước mắt là những bó ống nước san sát nhau, kéo từ tầng 1 lên tầng 5. Ngay lối lên cầu thang tầng 1 là hàng chục đồng hồ đo nước bị rác, đất, gạch đè lên, nhiều đồng hồ hoen gỉ, mất nắp. Nguồn cung cấp điện cho máy bơm được đấu nối qua đường điện sinh hoạt, không có cầu chì, cầu dao và ống bảo vệ.

Tình trạng trên cũng đang diễn ra tại các chung cư cũ như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng (quận Đống Đa), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), Thành Công (quận Ba Đình), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)… Hầu hết các chung cư đều bị các hộ dân cơi nới, cải tạo, có thể gây mất an toàn cháy nổ bất cứ lúc nào.

Khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa). Ảnh: Đỗ Tâm

Cần sự quyết tâm lớn

Trước thực trạng trên, ngày 18-12-2021, UBND thành phố đã có Quyết định số 5289/QĐ-UBND về việc ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội". Theo Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành, thành phố đặt kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý IV-2023. Các quận, huyện được phân cấp triển khai thực hiện công tác kiểm định, lập quy hoạch chi tiết. Để có thể đẩy nhanh cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cần sự quyết tâm lớn của các quận, huyện. Hiện, Sở đang yêu cầu các quận, huyện báo cáo kết quả thực hiện, báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho biết, quận đã giao nhiệm vụ cho UBND các phường: Kim Liên, Trung Tự, phối hợp với Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng kiểm định 44 nhà chung cư cũ thuộc danh mục 126/177 chung cư đã được thành phố chấp thuận. Quận cũng triển khai thực hiện di chuyển 3/4 hộ dân nhà D nguy hiểm số 51 Huỳnh Thúc Kháng ra khỏi chung cư về nơi tạm cư tại nhà B9 Đại Kim. Còn 1 hộ gia đình ông Nguyễn Như Giảng, UBND quận đã ban hành quyết định cưỡng chế di chuyển ra khỏi phòng 304, 305, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2022.

Được biết, tháng 11-2022, quận Ba Đình đã di dời được 128/174 hộ dân nhà C8 Khu tập thể Giảng Võ về nhà tạm cư; còn 46 hộ chưa đồng thuận. UBND quận đã ban hành kế hoạch di dời, có kế hoạch cưỡng chế di dời đối với các hộ không chấp hành. Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Nguyễn Ngọc Chiến cho biết, phường đã thuyết phục, vận động người dân di dời khỏi nơi ở nguy hiểm, đồng thời đẩy nhanh lộ trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

"Thành phố chỉ đạo trước mắt tập trung lập danh sách, triển khai 2-3 nhà chung cư cũ có khả năng hoàn thành sớm, qua đó rút kinh nghiệm cho việc triển khai tiếp theo. Đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV-2022 thì có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, dự kiến khởi công trong quý II-2023. Với các chung cư cũ còn lại sẽ được triển khai thực hiện đồng thời theo kế hoạch", ông Bùi Tiến Thành cho biết.